Wednesday 2 March 2011

Ron loi o tre em

Số lượt xem: 133
Gửi lúc 11:56' 03/11/2009

Rốn lồi ở trẻ em

Rốn hay còn gọi là rún, là một chỗ lõm tròn ở giữa bụng ghi dấu nơi bám của dây rốn khi còn là thai nhi. Bình thường rốn trông phằng hoặc lõm xuống vì thành bụng được đóng kín. Trẻ bị rốn lồi (RL) hay còn gọi là thoát vị rốn, là chứng sa ruột ở vùng rốn, khiến rốn phồng lên thành khối u mềm, xảy ra phổ biến ở trẻ em. Thống kê hàng năm tại BV. Nhi Đồng 1 có hơn 300 trẻ bị RL đến khám và theo dõi.

Rốn hay còn gọi là rún, là một chỗ lõm tròn ở giữa bụng ghi dấu nơi bám của dây rốn khi còn là thai nhi. Bình thường rốn trông phằng hoặc lõm xuống vì thành bụng được đóng kín. Trẻ bị rốn lồi (RL) hay còn gọi là thoát vị rốn, là chứng sa ruột ở vùng rốn, khiến rốn phồng lên thành khối u mềm, xảy ra phổ biến ở trẻ em. Thống kê hàng năm tại BV. Nhi Đồng 1 có hơn 300 trẻ bị RL đến khám và theo dõi. Đây là một bệnh lý đơn giản ở trẻ nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm thoát vị nghẹt, cần được phụ huynh lưu tâm.

Cấp cứu thoát vị rốn nghẹt

Bé H.L.T.M., 4 tuổi, nhà ở TP.HCM nhập viện cấp cứu vì ói nhiều, chỗ RL bị căng tím và đau. Trước nhập viện khoảng 6 giờ, bà phát hiện một khối u nhỏ nằm ở ngay trên rốn của cháu, to bằng ngón tay cái, không xẹp. Đồng thời cháu đau bụng càng lúc càng dữ dội kèm theo ói nhiều lần. Từ màu da bình thường và không đau, dần dần khối u chuyển sang màu tím và sờ vào thấy đau. Mẹ cháu cũng cho biết cháu bị RL từ khi sinh, không điều trị gì cả. Chẩn đoán khối u nằm trên rốn cháu là do thoát vị rốn bị nghẹt. Cháu đã được mổ cấp cứu kịp thời giải phóng đoạn ruột bị nghẹt, phục hồi thành bụng bị thoát vị và tạo hình rốn. Sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu đã hồi phục. Đây là một trường hợp biến chứng thoát vị nghẹt trên trẻ RL đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

RL phổ biến ở trẻ em

RL rất thường gặp ở trẻ em nhỏ. Sinh non hoặc có trọng lượng lúc sinh thấp là những yếu tố nguy cơ cao bị RL. Nguyên nhân do cơ bụng của những trẻ này còn yếu hoặc không đóng kín hoàn toàn theo trình tự bình thường trong năm đầu đời đã để lại vòng rốn còn hở. Do vậy, ruột trong bụng có thể chui một phần qua đó tạo nên khối u nhỏ lồi trên rốn. Nhìn thấy RL khi đường kính khối u lớn hơn 0,5cm và sờ được lỗ khuyết cân cơ từ 1cm trở lên. RL có khuynh hướng thay đổi kích thước có thể đến 10cm hoặc hơn nữa và lớn tối đa lúc trẻ 1 - 2 tháng tuổi. Thông thường vòng rốn tiếp tục đóng trong khoảng thời gian từ 2 - 3 năm kế tiếp. Ở một số trẻ vì lý do nào đó tiến trình này không xảy ra, cần phải can thiệp phẫu thuật để sửa chữa.

Nhận biết RL

Phần lớn trường hợp xuất hiện RL trước 6 tháng tuổi, biểu hiện một khối tròn trồi lên ngay tại vị trí lỗ rốn, chứa ruột hay màng nối bên trong, da và mô dưới da trên khối này còn nguyên vẹn. Phần RL này thường mềm, không đau, khi nằm nghiêng hoặc ấn vào sẽ xẹp xuống. RL trông rõ và to hơn khi trẻ khóc, rặn hoặc ho, làm cho áp suất trong bụng tăng lên. Có nhiều dạng RL, RL không thường xuyên, chỉ hơi sưng lồi lên hoặc nhìn thấy khối RL đường kính dưới 2cm, thường giảm dần theo thời gian khi các cơ ở bụng trẻ phát triển. RL xuất hiện to thường xuyên, có đường kính trên 2cm khuynh hướng tăng kích thước theo thời gian, nguy cơ biến chứng cần phải phẫu thuật. RL "dạng vòi voi", do chứa những bộ phận ở phía trên rốn. Nhận biết biến chứng thoát vị rốn bị nghẹt khi khối phồng ấn không xẹp, căng cứng, sờ đau. Da vùng RL trở nên đổi màu tím tái, do đoạn ruột bị nghẹt không được cung cấp máu đầy đủ. Trẻ đột ngột trở nên quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, bỏ bú và nôn ói. Chậm nhập viện điều trị, ruột trẻ có thể bị hoại tử.

Chăm sóc RL tại nhà

Trẻ bị RL cần đưa đi khám bệnh để được đánh giá, hướng dẫn điều trị và theo dõi cẩn thận. Với các trường hợp RL nhẹ, các bậc phụ huynh có thể dùng băng thun có bề rộng khoảng 3- 5cm và đồng xu hay miếng bìa cứng cắt tròn băng rốn theo hướng dẫn của BV. Nhi Đồng 1 như sau:

- Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ. Dùng gạc gói kín đồng xu hoặc miếng bìa cứng cắt tròn.

- Ấn nhẹ cho RL xẹp xuống.

- Đặt đồng xu quấn gạc lên rốn trẻ sao cho phần có nhiều gạc sát bụng trẻ để tránh da trẻ bị đè cấn. Quấn băng thun quanh bụng vừa tay khoảng 3 - 5 vòng rồi cố định.

Thực hiện khi trẻ nằm yên, mỗi ngày sau khi tắm trẻ hoặc khi bị ướt để tránh hăm da. Không nên tháo thường xuyên vì sẽ làm giảm tác dụng của kỹ thuật. Thời gian băng rốn đến khi rốn hết lồi, trung bình từ 1 - 3 tháng.

Khi nào đưa trẻ đến cơ sở y tế?

RL quá to đường kính trên 5cm, "dạng vòi voi", trở nên lớn hơn sau 1 năm, kéo dài hơn ba tuổi hoặc khi thấy một trong những dấu hiệu bị nghẹt như: RL bị sưng tấy, căng đau, trẻ đau bụng, nôn ói nhiều, hoặc quấy khóc nhiều cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được đánh giá và điều trị thích hợp kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn cho trẻ.

Theo BS.CK2. NGUYỄN THỊ KIM THOA
SK&ĐS

Bản gốc: Sức khỏe số - Rốn lồi ở trẻ em

No comments:

Post a Comment