Wednesday 2 March 2011

Noi voi con: “Chuyen ay” la chuyen gi?

Số lượt xem: 128
Gửi lúc 12:02' 03/11/2009

Nói với con: "Chuyện ấy" là chuyện gì?

"Chuyện ấy" chính là chuyện ấy, chuyện nói không được, hoặc có nói thì thường ú ớ, nên phải "thử" tiếp cận bằng nhiều cách, may ra có cách nào đó phù hợp chăng?

"Chuyện ấy" chính là chuyện ấy, chuyện nói không được, hoặc có nói thì thường ú ớ, nên phải "thử" tiếp cận bằng nhiều cách, may ra có cách nào đó phù hợp chăng?

Chuyện không ai dạy cũng biết

"Tình dục" thì chả cần phải nói ai cũng biết. Tới tuổi nào đó tự nhiên biết. Nhưng, vì không ai dạy cũng biết nên mới có nhiều chuyện không hay xảy ra!

"Tình dục" thì chả cần phải nói ai cũng biết

Cũng lạ, cha mẹ dạy con đủ thứ, nhưng một chuyện rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình, đến tương lai nòi giống thì lại… giấu nhẹm, không chịu dạy! Thực ra, không chịu dạy không phải vì cố tình giấu giếm mà vì dạy… không được, bởi cha mẹ cũng chưa hề được ai dạy cho.

Trước hết, phải khẳng định rằng tình dục không xấu. Tình dục gắn với con người từ trong trứng nước. Khi thụ tinh một em bé thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa bé, dù đến 3 tháng trong bụng mẹ, thai nhi mới có đầy đủ các bộ phận sinh dục nam hay nữ! Bên cạnh đó, thiên nhiên còn trang bị sẵn một hệ thống các tuyến sinh dục, để tới tuổi nào đó thì sẽ cho kích hoạt… tạo ra các kích thích tố và bùng nổ giới tính! Chờ đến lúc đó mới dạy thì nhiều khi đã muộn!

Đã là sinh vật thì phải ăn, phải ngủ, phải thải chất bã và phải… truyền giống. Những chuyện này luôn được lắp đặt sẵn trong gene. Con gà mới nở đã biết mổ thóc ăn, đã biết bươi để kiếm thức ăn và sau đó biết… đạp mái! Con bê mới sinh chập chững vài bước đã biết tìm đến vú mẹ và sau đó biết kiếm cỏ rồi đến một lúc thì biết đi tìm "ý trung nhân". Con người cũng vậy, sinh ra đã biết vùi đầu tìm vú mẹ nút chùn chụt ngon lành, không cần ai phải dạy!

Nhưng con người là sinh vật… cao cấp nên không chỉ biết ăn thôi, mà còn biết tìm món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị để ăn sao cho ngon, cho khoái. Ngon quá, khoái quá, nhồi nhét cho cành hông rồi sinh bệnh. Đó là một cách thiên nhiên nhắc nhở, từ khiển trách đến cảnh cáo rồi sa thải! Ngủ cũng vậy. Không thể không ngủ. Ngủ để phục hồi năng lượng, để các tế bào được nghỉ ngơi. Ngủ thừa hay thiếu đều sinh bệnh. Thải bã cũng vậy. Bón hay tiêu chảy đều khổ!

Cuối cùng là chuyện… truyền giống! Để khuyến khích các sinh vật đừng làm biếng đối với chuyện truyền giống này, thiên nhiên đã dụ nó bằng cách ban thưởng cho ít nhiều khoái cảm. Vì thế mà ta thấy các sinh vật đều hùng hục một cách hăng say! Có điều, các sinh vật làm nhiệm vụ theo bản năng, đúng mùa đúng tiết. Dĩ nhiên cũng phải… dày công chọn lựa bạn tình, cũng phải ve vãn múa may chút đỉnh để các hormone có dịp được kích hoạt đâu ra đó cho đến lúc chín muồi.

Con người, do "thông minh vốn sẵn tính trời" đã… tận dụng mọi điều kiện để hưởng thụ khoái cảm mà thậm chí chẳng thèm quan tâm tới chuyện… truyền giống! Kết quả, nhiều xã hội đang chới với vì thiếu sự đổi mới thế hệ, người già cứ già hoài, người trẻ chẳng sinh ra! Và bệnh tật liên quan đến tình dục không ngừng phát triển, từ bệnh lậu, đến giang mai, hột xoài, HIV/ AIDS… như ta đã biết.

Nhiều người hiểu lầm giáo dục giới tính là dạy cách làm tình, cách giao hợp! Nếu chỉ là cách làm tình, cách giao hợp thì chẳng cần phải dạy. "Con" nào cũng biết, từ con gà, con vịt, con heo, con ếch, con chim, con cá…! Có điều, con "người" thì khác, vì ở con người nó không chỉ thuần là bản năng. Ăn uống cũng là chuyện bản năng, nhưng với con người thì cũng phải "ăn coi nồi ngồi coi hướng"!

Dạy con từ thuở còn thơ

Tình hình nay đã khác xưa. Xưa không có nhiều cám dỗ, không có nhiều hiểm nguy rình rập như bây giờ. Cho nên, cha mẹ có bổn phận phải dạy con cái, không thể khoán cho ai khác.

Cha mẹ nên dạy con về giới tính ngay từ khi con còn thơ

Và, như một câu tục ngữ: Dạy con từ thuở còn thơ! Phải dạy rất sớm vì đây là vấn đề liên quan đến nếp sống của mỗi gia đình, đến thái độ, giá trị, lòng tin và nhất là hành vi, hình thành nên nhân cách của mỗi con người để có một cuộc sống hạnh phúc về sau. Có người nói trẻ con bây giờ có khi còn biết rành hơn cả người lớn. Có thể như vậy, nhưng biết không đúng, không đầy đủ và đó chính là một nguy cơ.

Giáo dục giới tính thực ra là một tiến trình kéo dài suốt cả đời người, là chuyện phải làm hằng ngày, trước hết là ở gia đình nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. Nó bao gồm sự phát triển tính dục, các mối quan hệ giữa người với người, tình yêu, hình ảnh về thể chất và vai trò giới.

Giáo dục giới tính đề cập đến các khía cạnh về sinh học, văn hóa xã hội, tâm lý và tâm linh của vấn đề giới tính, từ lĩnh vực nhận thức (thông tin) đến lĩnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lĩnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông, giao tiếp và kỹ năng quyết định) của mỗi cá nhân.

Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã được học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng nựng, học về những mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ, ông bà… Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện trò hằng ngày, lúc vui chơi với chúng, lúc thay quần đổi áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể chúng, từ mắt mũi, tai miệng, đến bộ phận sinh dục…

Ngay từ đó, trẻ học "không phân biệt đối xử" với các bộ phận mà phải có trách nhiệm gìn giữ vệ sinh đâu đó đàng hoàng. Trẻ lớn dần lên thì hiểu biết sẽ rộng thêm về sinh lý học cũng như về các hành vi, thái độ, giá trị liên quan giới tính của gia đình cũng như môi trường xã hội chúng đang sống.

Thẳng thắn, chân tình, cởi mở trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì, tuổi thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương hướng xử thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khỏe tình dục. sức khỏe sinh sản. Nhưng trước hết, cha mẹ cũng phải trang bị cho mình đủ kiến thức để tự tin và có phương pháp tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi theo sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
 
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc
Phụ nữ

Bản gốc: Sức khỏe số - Nói với con: "Chuyện ấy" là chuyện gì?

No comments:

Post a Comment