Sunday 6 March 2011

Giup tre co giac ngu ngon

Số lượt xem: 144
Gửi lúc 14:28' 30/06/2009

Giúp trẻ có giấc ngủ ngon

Trẻ bị căng thẳng tâm lý vì thay đổi trong sinh hoạt gia đình, mẹ mới sinh em bé, cha mẹ chia tay, đổi chỗ ở... từ đó sinh ra khó ngủ.

Trẻ bị căng thẳng tâm lý vì thay đổi trong sinh hoạt gia đình, mẹ mới sinh em bé, cha mẹ chia tay, đổi chỗ ở... từ đó sinh ra khó ngủ

Không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng có khi khó ngủ hay mất ngủ. Việc khó ngủ ở trẻ nếu kéo dài sẽ gây ra những hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng học tập của trẻ.


Khó ngủ do căng thẳng






Khi trẻ có những căng thẳng về tâm lý, trong giấc ngủ, trẻ có thể gặp ác mộng, mộng du hay những cơn khiếp sợ. Ác mộng là giấc mơ gây sợ hãi thường xảy ra trong thời gian nửa đêm đến sáng. Khi thức giấc, trẻ có thể kể cho cha mẹ nghe điều trẻ đã thấy trong giấc mơ. Trẻ có thể khóc và hoảng sợ, khó ngủ lại được. Còn cơn khiếp sợ ban đêm nặng hơn ác mộng, xảy ra 1 giờ sau khi trẻ ngủ sâu. Trong cơn hoảng sợ, có thể trẻ không thức giấc. Trẻ có thể khóc không thể dỗ được, vã mồ hôi, run, thở nhanh, vẻ mặt hoảng sợ, la hét hoặc nhìn trố mắt kinh ngạc. Trẻ không ý thức có người bên cạnh và không nhận biết người thân nên có thể đẩy cha mẹ ra, nhất là khi họ cố giữ trẻ lại. Cơn khiếp sợ có thể kéo dài  khoảng 45 phút, nhưng thường ngắn hơn. Giống như ác mộng, cơn hoảng sợ thường xảy ra khi trẻ bị căng thẳng thần kinh hoặc có cảm giác sợ hãi. Nhưng khác với ác mộng, trẻ không thể nhớ để kể lại sau đó.


Mộng du xảy ra khi trẻ ngủ sâu và tự trở lại giường ngủ sau đó. Nhẹ nhàng dìu trẻ trở về phòng, trẻ sẽ ngủ tiếp. Khi thức giấc, trẻ không nhớ điều đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra nhiều lần trong một đêm ở trẻ lớn và trẻ vị thành niên. Mộng du xảy ra khi trẻ quá mệt hoặc bị căng thẳng tâm lý.


Tiểu dầm thường thấy trong 40% ở trẻ 3 tuổi. Tiểu dầm có thể do bàng quang của trẻ chưa phát triển đủ để chứa lượng nước tiểu suốt đêm hoặc do trẻ chưa nhận biết khi nào bàng quang đầy và thức dậy đi tiểu. Cũng có thể do trẻ bị căng thẳng tâm lý vì thay đổi trong sinh hoạt gia đình, mẹ mới sinh em bé, cha mẹ chia tay, đổi chỗ ở. Những tình huống này có thể làm cho một trẻ tiểu dầm tái phát sau khi đã hết tiểu dầm một thời gian.


Cũng có một số trẻ nghiến răng trong đêm. Tuy điều này tạo ra một âm thanh khó nghe, nhưng thường không gây hại cho răng của trẻ. Có thể do căng thẳng hay âu lo và sẽ biến mất sau đó. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bị căng thẳng thì trẻ sẽ lại tiếp tục nghiến răng.


Tạo môi trường an toàn cho trẻ


Những khó khăn trong giấc ngủ của trẻ thường xảy ra nếu trẻ có vấn đề về thể chất hay về cảm xúc. Cha mẹ có thể nhờ bác sĩ nhi khoa giúp phát hiện vấn đề làm cho trẻ khó ngủ. Môi trường sống an toàn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Tốt nhất là nên tránh những tình huống gây căng thẳng tâm lý cho trẻ trong gia đình cũng như trong trường học (cha mẹ ly dị, mẹ mới sinh em bé, người thân qua đời, áp lực học tập, thay đổi trong cuộc sống...). 






Khi trẻ bị ác mộng, cha mẹ hãy trấn an trẻ và nói không có gì làm hại trẻ và bật đèn sáng lên cho trẻ. Hãy nhớ là trẻ vừa thực sự trải qua cơn ác mộng nên hãy lắng nghe và động viên trẻ kể về giấc mộng. Khi trẻ hết lo lắng nên khuyến khích trẻ ngủ lại. Còn khi trẻ gặp cơn khiếp sợ, thường thì cha mẹ lo sợ hơn trẻ, do đó hãy bình tĩnh và đừng tìm cách đánh thức trẻ dậy. Nếu trẻ muốn ra khỏi giường hãy giữ trẻ lại, sau một thời gian ngắn, trẻ thư giãn và có thể ngủ yên trở lại. Trẻ có thể mệt vì ngủ không đủ thời gian, thức quá khuya hoặc dậy quá sớm; cố gắng cho trẻ ngủ đúng giờ.


Khi trẻ bị mộng du, cha mẹ không cần đánh thức khi trẻ đang đi hoặc nói lúc ngủ vì trẻ không đáp ứng với tiếng gọi và khó được đánh thức. Bảo đảm là không có nguy hiểm cho trẻ trong lúc mộng du như khóa cửa để trẻ không ra khỏi nhà, không để trẻ lên xuống cầu thang. Hãy giúp trẻ ngủ điều độ để tránh tre đi hoặc mớ trong lúc ngủ.


Tập cho trẻ thói quen đi tiểu theo giờ


Nếu trẻ tiểu dầm, cha mẹ đừng kết án hoặc trừng phạt trẻ vì tiểu dầm, hãy cho trẻ đi tiểu và tránh uống nhiều nước trước khi ngủ. Nên trải tấm ni lông trên giường để phòng ngừa nước tiểu làm ướt giường. Nếu trẻ khá lớn, động viên trẻ tự lo vệ sinh và tự thay vải lót giường sau khi tiểu dầm, điều này dạy trẻ có tinh thần trách nhiệm, chứ không phải để trừng phạt trẻ. Đánh thức trẻ dậy trong đêm bằng đồng hồ hoặc cha mẹ báo thức để trẻ đi tiểu. Khen ngợi và thưởng cho trẻ khi trẻ không tiểu dầm. Điều quan trọng là đừng gây áp lực cho trẻ. Hãy giúp trẻ hiểu đó không phải do lỗi của trẻ và trẻ có thể khắc phục được.



Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM)

Bản gốc: Sức khỏe số - Giúp trẻ có giấc ngủ ngon

No comments:

Post a Comment