Friday 4 March 2011

Cham soc tre so sinh suy dinh duong trong tu cung

Số lượt xem: 212
Gửi lúc 10:17' 29/10/2009

Chăm sóc trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung

Thời kỳ sơ sinh là 4 tuần đầu sau sinh là thời kỳ trẻ chuyển từ cuộc sống trong tử cung hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ sang cuộc sống tự lập, trẻ phải làm quen và dần dần thích nghi với môi trường bên ngoài. Khác với trẻ lớn, những đặc điểm về sinh lý và bệnh lý của trẻ sơ sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của trẻ lúc mới sinh ra.



 Thời kỳ sơ sinh là 4 tuần đầu sau sinh là thời kỳ trẻ chuyển từ cuộc sống trong tử cung hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ sang cuộc sống tự lập, trẻ phải làm quen và dần dần thích nghi với môi trường bên ngoài. Khác với trẻ lớn, những đặc điểm về sinh lý và bệnh lý của trẻ sơ sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của trẻ lúc mới sinh ra.


Trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung hay trẻ sơ sinh chậm tăng trưởng trong tử cung có những đặc điểm riêng:

- Những trẻ có vòng đầu bình thường là suy dinh dưỡng trong tử cung mức độ nhẹ, phần lớn là do mẹ bị bệnh cao huyết áp hoặc cao huyết áp do thai kỳ thể nhẹ. Những trẻ này, khi trong thời kỳ bào thai, sự phân chia tế bào đã tương đối hoàn chỉnh, khối lượng tế bào bình thường, do đó vấn đề nuôi dưỡng không khó khăn lắm, nếu sống qua được giai đoạn sơ sinh và nuôi dưỡng đúng cách thì sau này trẻ có thể phát triển tương đối bình thường về mặt tinh thần và vận động mặc dù khi sinh cân nặng thấp hơn so với cân nặng bình thường tương ứng với tuổi thai.

- Nếu suy dinh dưỡng trong tử cung ở mức độ trung bình, trẻ có thể sống sót nhưng khi sinh những trẻ này thường bị ngạt, viêm phổi, chảy máu, hạ đường huyết. Những trẻ này sẽ không phát triển bình thường: có thể chậm lớn, chậm phát triển về tinh thần và thậm chí còn có di chứng thần kinh.

- Những trẻ này có vòng đầu nhỏ khi sinh đã có biểu hiện giảm rõ rệt số lượng tế bào trong cơ quan, chủ yếu là tế bào não ngay trong bào thai là những trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung ở mức độ nặng. Trẻ có biểu hiện da khô nhăn nheo, vàng da; viêm gan; nhiễm trùng hô hấp; đa hồng cầu, dung tích hồng cầu cao trong những ngày đầu có khi 60 – 70%, hiện tượng cô đặc máu là phổ biến. Trẻ có thể bị chết trong giai đoạn sơ sinh do bị ngạt, viêm phổi, hít phải nước ối và bị nhiễm trùng nặng. Những trẻ này, thường thấy có phối hợp với dị tật bẩm sinh.

♣ Phương pháp chung:

- Những trẻ bị chậm phát triển trong tử cung đã phải chịu stress kéo dài khi nằm trong bụng mẹ và phải chịu đựng tình trạng thiếu oxy trong lúc sinh. Do đó, nguy cơ suy thai và sinh ngạt sẽ rất lớn nên cần có phương tiện để chuẩn bị hồi sức tốt cho trẻ tại phòng sinh.

- Cần chống nhiễm khuẩn, điều trị viêm phổi bẩm sinh nếu có.

- Trẻ được theo dõi và điều trị nếu bị hạ đường huyết, hạ calci huyết.

- Nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.

- Cung cấp thêm calo, protein, sinh tố qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.

♣ Những điều cần chú ý trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung:

Ngoài việc chăm sóc và nuôi dưỡng thực hiện tốt và đầy đủ như đối với trẻ bình thường, trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung cần được quan tâm hơn về nguyên tắc vô khuẩn và sữa mẹ và cần phải lưu ý thêm tình trạng bệnh lý riêng biệt ở những trẻ này.

* Lồng ấp:

Những lồng ấp hiện đại đã giúp bảo toàn nhiệt lượng cho trẻ vì tạo được môi trường không khí ấm và độ ẩm chuẩn. Ngoài ra, chúng cũng giảm thiểu được nhiễm trùng không khí nếu được lau chùi cẩn thận.

Trẻ lớn hơn đòi hỏi nhiệt độ thấp hơn trẻ nhỏ, nhiệt độ tối ưu là nhiệt độ duy trì được nhiệt độ trung tâm ở 36.50C – 370C.

Độ ẩm tương đối là 40 – 60% sẽ giúp giảm sự mất nhiệt vì chống lại sự khô và kích thích niêm mạc hô hấp đặc biệt khi trẻ được thở oxy hay đặt nội khí quản.

Nếu không có sẵn lồng ấp, có thể dùng những phương tiện khác để tạo nhiệt và độ ẩm như: mềm, đèn sưởi, chai nước nóng… và giữ nhiệt độ và độ ẩm của phòng.

* Sự cung cấp oxy: 

Để giảm nguy cơ thiếu oxy.

Cũng phải được cân bằng vừa phải, tránh nguy cơ của tăng oxy máu ảnh hưởng đối với mắt và phổi. Do đó, việc theo dõi PO2 máu động mạch rất cần thiết. Việc đo oxy mao mạch cũng giúp ích trong giúp ích trong theo dõi oxy máu.

Có thể cung cấp oxy bằng mask hoặc nội khí quản.

Trẻ đã sử dụng oxy cần được kiểm tra đáy mắt, thính lực.

* Trong 3 ngày đầu sau sinh, trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung cần được theo dõi đường huyết (mỗi 3-4 giờ), calci huyết (hằng ngày), công thức máu và chức năng đông máu.

* Nuôi ăn:

Phương pháp cho ăn tùy từng trẻ, điều quan trọng là tránh trào ngược và suy kiệt. Không nên cho bú đối với trẻ có suy hô hấp, hypoxy, thiểu năng tuần hoàn, tăng tiết, nhiễm trùng huyết, sinh non, bệnh nặng. Những trẻ này đòi hỏi cho ăn bằng sonde nuôi ăn để cung cấp calori, dịch, điện giải.
Trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh lớn thì có thể cho bú bình. Núm vú được dùng nhỏ,  mềm, có lỗ lớn.

Trẻ nhỏ hơn thường được cho ăn bằng gavage: ống mềm số 5, đường kính trong 0,05cm, đầu có 2 lỗ 2 bên. Được đặt qua mũi vào dạ dày 2,5cm, đầu tự do để trong nước, nếu thấy có bong bóng sau mỗi nhịp thở là đã đặt vào khí quản. Ống lưu trong 3 – 7 ngày, thay ống khác vào lỗ mũi bên kia.
Chỉ bắt đầu cho ăn khi có lưu thông đường tiêu hóa và khám bụng bình thường (cho ăn qua sonde dạ dày liên tục 24 giờ).

Trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn so với trẻ bình thường, cần tăng khẩu phần ăn. Tuy nhiên, sự dung nạp thức ăn của chúng lại kém hơn trẻ bình thường cùng tuổi thai. Vì vậy, việc cho ăn và tăng lượng thức ăn qua đường tiêu hóa cần thận trọng.

Khi trẻ bú mẹ hoặc bú bình được hoàn toàn, tăng cân được 10 – 30g/ngày, nhiệt độ ổn định, không có cơn ngưng thở gần đó, các thuốc sử dụng đã được ngưng thì mới được xuất viện. Sau đó, cần cố gắng tạo điều kiện cho trẻ bắt kịp với trẻ bình thường bằng cách: tăng nuôi ăn qua đường tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng thêm 10 – 20 ml/kg mỗi ngày so với trẻ bình thường.

* Về lâu dài, cần theo dõi sự phát triển thể chất, thần kinh và tâm lý của trẻ để kịp thời can thiệp nếu cần.

* Một số nguy cơ thường gặp ở trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung:

- Hạ thân nhiệt:

Trẻ rất dễ nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Lúc mới sinh, thân nhiệt của trẻ giống như thân nhiệt của mẹ, nhưng sẽ giảm ngay sau đó. Nếu không được ủ ấm, thân nhiệt có thể giảm xuống còn 360C hay thấp hơn nữa.

Thân nhiệt quá thấp (dưới 350C) có thể do không đủ ấm nhưng cũng có thể do nhiễm trùng. Nếu không đủ ấm thì cần ủ ấm cho trẻ bằng áo ấm, găng tay, vớ, túi chườm nóng, lò sưởi hoặc dùng phương pháp Kanguroo (cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ). Nếu thân nhiệt thấp kéo dài phải chú ý tới nguyên nhân nhiễm trùng hoặc nuôi dưỡng kém.

- Hạ đường máu:

Biểu hiện của hạ đường máu ở trẻ sơ sinh thường không đặc hiệu, thường có đường máu thấp và trở về bình thường sau điều trị. Một số trẻ có biểu hiện li bì, rên nhẹ hoặc khóc thét, giảm trương lực cơ, run rẩy, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở. Khi trẻ bị hạ đường máu, ngoài việc được bác sĩ cho tiêm glucose 10% bằng đường tĩnh mạch, nên lưu ý cho trẻ ăn sữa càng sớm càng tốt.

Trong dự phòng hạ đường máu ở trẻ sơ sinh, việc vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ ngay sau sinh là rất quan trọng. Vì vậy, chế độ ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để đảm bảo sự tăng cân bình thường của thai nhi, tử cung, bánh rau, nước ối và khối lượng tuần hoàn máu của mẹ. Ngoài ra, bà mẹ cần nghỉ ngơi trước khi sinh và trong thời kỳ hậu sản. Đối với trẻ sơ sinh thì nên cho trẻ bú sớm ngay sau sinh để phòng tránh hạ đường huyết, nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng cốc, thìa.

- Nhiễm trùng đường hô hấp - những dấu hiệu nghi ngờ:

+ Trẻ thay đổi kiểu thở, thở bất thường.

+ Trẻ khóc nhiều, kích thích hoặc khó đánh thức.

+ Bú ít.

+ Ho.

+ Ọc sữa hầu hết cử bú.

+ Tiểu ít.

+ Da xanh tái.

+ Sốt.

- Rối loạn tiêu hóa:

Sự dung nạp thức ăn của trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung kém hơn trẻ bình thường cùng tuổi thai vì ruột rất yếu (ruột là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên do thiếu oxy trong giai đoạn bào thai).

+ Nôn óí: bình thường trẻ có thể ợ hơi mà trẻ nuốt phải trong khi bú, đôi khi cũng trớ ra một ít sữa. Điều đó không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ bị nôn ói nhiều quá sẽ bị mất nước, sụt cân.

Thường phân su bắt đầu được thải ra khoảng 8 – 10 giờ sau sinh. Nếu phân su đào thải ra chậm, trẻ có thể bị chướng bụng, nôn ói. Trường hợp này cần phải lưu ý để phát hiện bất thường ở ống tiêu hóa. Nếu kèm theo bị tiêu chảy, có thể là trẻ bị viêm đường ruột, nhiễm trùng máu, viêm màng não và nhiều bệnh viêm nhiễm khác cũng có thể gây nôn ói.

Nếu chất nôn ra màu xanh hay vàng có thể là trẻ bị tắc ruột, đặc biệt khi bụng trẻ chướng căng, hoặc không đi ngoài được, cần cho trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

+ Tiêu chảy: cần xem có thay đổi màu của phân, có mùi hôi, phân có lẫn nhầy máu…

- Trẻ không lên cân:

Bình thường, trong những ngày đầu sau sinh, trẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý, nhưng không quá 10% cân nặng lúc sinh ra, trẻ sẽ ít sụt cân hơn nếu trẻ được bú sữa non của mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh. Sau tuần đầu, trẻ lấy lại cân nặng lúc sinh ra, nếu trẻ sinh non thì sẽ chậm hơn. Sau đó, trong thời kỳ sơ sinh, trẻ bú mẹ tăng cân liên tục với tốc độ nhanh, mỗi ngày tối thiểu 25g.

Nếu trẻ không lên cân hoặc sụt cân, có thể là có vấn đề xấu, cần quan tâm. Về mức độ thiếu cân cần phân biệt:

+ Thiếu cân nhẹ: từ 5% đến 15% so với cân nặng bình thường, không kể sụt cân sinh lý.

+ Thiếu cân trung bình: từ 15% đến 25%.

+ Thiếu cân nặng: trên 30%.

Những trẻ này phải xem lúc trẻ sinh có khỏe không? Có bú nhiều không? Xem có những dấu hiệu bất thường khác không và cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung do thiếu hụt về cân nặng và tầm vóc nên trong điều trị và chăm sóc sẽ có nhiều khó khăn hơn những trẻ khác.

BS. Diệu Dung/Webtretho

Bản gốc: Sức khỏe số - Chăm sóc trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng trong tử cung

No comments:

Post a Comment