Tuesday 22 February 2011

Khao sat ve benh thuong gap o khoi van phong

Số lượt xem: 234
Gửi lúc 14:20' 20/01/2010

Khảo sát về bệnh thường gặp ở khối văn phòng

Nhân viên làm việc trong các văn phòng, cao ốc dễ mắc hội chứng "môi trường kín"; bệnh đau xương, cơ... do tư thế làm việc với máy vi tính không đúng. Đây là kết luận trong khảo sát của Viện Y học lao động về tác hại của máy vi tính đối với người sử dụng.

Sinh bệnh vì văn phòng hiện đại

Trong số 305 đối tượng thuộc cơ quan bưu điện và ngân hàng được điều tra, kết quả cho thấy 74% bị đau, khô họng, 73% nhức đầu, 80,9% đau lưng, thắt lưng, 90,5% đau cổ, gáy, 46% đau mắt, 35% chảy nước mắt...

Những triệu chứng trên thường gặp ở những người hay sinh sống hoặc làm việc lâu trong các tòa nhà cao tầng, khép kín, đủ tiện nghi. Mặc dù vậy, những cảm giác đó có thể nhanh chóng biến mất khi nhân viên đó ra khỏi nơi làm việc.

Vì thế nên mọi người thường chỉ uống thuốc cảm cúm, bôi kem dưỡng ẩm da hoặc nhỏ nước muối sinh lý vào mắt.

Bác sĩ Cung Hồng Sơn, Quyền Trưởng khoa Đáy mắt (Bệnh viện Mắt TƯ) khuyên người sử dụng máy tính giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình máy tính, điều chỉnh ánh sáng trong phòng để tránh phản chiếu lên màn hình, chuyển vị trí những đèn có ánh sáng chiếu trực tiếp lên màn hình.

Chọn màn hình lớn, phẳng và kiểm tra độ tương phản, điều chỉnh ánh sáng của màn hình ở mức độ thích hợp; Để màn hình cách mắt tối thiểu 50 - 66cm, dưới tầm mắt 10-20oC. Sử dụng thuốc nhỏ mắt chống khô mắt, làm ẩm mắt.

Theo TS Nguyễn Ngọc Ngà, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường và cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, khảo sát về tác hại của máy vi tính đối với người sử dụng, những triệu chứng này là do ô nhiễm nhiệt từ trang thiết bị trong khi làm việc với máy vi tính và phòng lắp điều hoà nhiệt độ.

Nhiệt độ trong phòng làm việc thường dao động từ 20 - 25oC, đôi khi dưới 20oC. Trong một số phòng làm việc nhiệt độ có phần cao hơn (25 - 28oC).

Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Da liễu Việt Nam) cho biết rất nhiều bệnh nhân khi đến cơ sở y tế khám than phiền về việc da bị lạnh và khô hơn là nóng và ẩm.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, những ngày nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng làm việc khá lớn, từ 55-10oC là điều rất bất lợi cho sức khỏe người lao động nếu không có phòng đệm.

Ngoài ra, số nhân viên làm việc trong phòng quá đông, phòng luôn phải đóng kín cửa để sử dụng điều hoà nhiệt độ nên nồng độ khí CO2 trong phòng làm việc tại nhiều cơ sở khá cao, gấp 1,3-1,5 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế khiến không khí không đủ, gây cảm giác ngột ngạt, khó thở cho con người.

Các chuyên gia Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường sau khi điều tra đã nhận định những người sử dụng máy vi tính duy trì một tư thế kéo dài và tập trung chú ý vào một việc có xu hướng mệt nhiều hơn những người khác với những biểu hiện như đau, chuột rút thắt lưng, cổ, vai, cổ tay. Trong đó bệnh nhân cảm thấy đau mỏi nhiều nhất ở vùng vai, gáy, lưng và thắt lưng.

Bác sĩ Thành khẳng định về lâu dài nếu không làm sạch môi trường sống, lưu thông khí trong phòng, những biểu hiện trên sẽ trở thành bệnh lý bắt buộc phải điều trị lâu dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các chất độc hại từ khói thuốc, keo sơn tường, thảm nhà, máy photocopy, máy fax, vi tính, gỗ chế biến thuốc sát trùng tạo ra khí độc CO2, formaldehyd benzen, các hữu cơ bay hơi VOC cao dễ gây bệnh đường hô hấp.

Hội chứng thị lực do sử dụng máy vi tính cũng được nhắc đến. Theo một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân được kể đến là do giảm gần 40% tần số chớp mắt (từ 14 lần/phút xuống còn 6-7 lần), khiến mắt bị khô.

Khi dùng máy tính, mắt có khuynh hướng mở to hơn nên cũng nhanh khô, không đủ nước mắt và độ trơn để loại sạch bụi. Tiếp đó là sự phản chiếu từ ánh sáng xung quanh và ánh sáng từ màn hình máy tính, khiến mắt mỏi mệt. Những mẫu tự trên màn hình là tập hợp của các đốm nhỏ được gọi là điểm ảnh, chứ không phải là một khối ảnh thuần nhất.

Do đó, mắt phải làm việc nhiều hơn để giữ được sự tập trung vào hình ảnh, dễ mệt mỏi. Nếu máy tính chất lượng không tốt, ánh sáng sẽ chập chờn và rung, mắt càng căng thẳng hơn.

Có thể phòng tránh

TS Ngà cho biết để phòng tránh các hội chứng trên, khi thiết kế phòng làm việc và các hệ thống liên quan cần chú ý đến sự trao đổi không khí, tạo sự thông thoáng với không gian bên ngoài, cải thiện chiếu sáng.

Cần thiết kế lại vị trí làm việc, không bày máy tính theo kiểu so le hay còn gọi là cài răng lược (kiểu này hiện được sử dụng nhiều ở những văn phòng có diện tích sử dụng hẹp), xếp tài liệu lưu trữ và thiết bị máy tính sao cho người lao động có chỗ để chân thoải mái. Đặc biệt, cần đặt máy tính sao cho cạnh trên của máy tính không cao hơn ngang tầm mắt.

Bác sĩ Cung Hồng Sơn, Quyền Trưởng khoa Đáy mắt (Bệnh viện Mắt TƯ) cho hay sau khoảng 2 giờ làm việc liên tục với máy vi tính cần có khoảng nghỉ ngắn để giảm bớt căng thẳng cho cơ và thị giác.

Sau ngày lao động nên tăng cường vận động cơ thể để tránh hậu quả của sự giảm vận động trong khi làm việc. Các trang thiết bị như máy vi tính, photocopy, fax... trong phòng cần được bố trí theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đặc biệt là phải kê nơi thoáng gió và phải thường xuyên lau sạch bụi.


Bản gốc: Sức khỏe số - Khảo sát về bệnh thường gặp ở khối văn phòng

No comments:

Post a Comment